Trang Chủ

Cẩm nang chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ 2016

Bạn đang có dự định đi du học Mỹ nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Không ít học sinh đã phải dừng bước trước giấc mơ sang Mỹ học tập bởi không vượt qua được quá trình xét duyệt visa, cũng như không nắm rõ những quy định trong việc chuẩn bị hồ sơ du học. Để giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất để chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, Âu Mỹ sẽ tổng hợp ngắn gọn thông tin hồ sơ visa hiện hành, các bước xin visa cũng như những lời khuyên sau đây.

cam_nang_du_hoc_my

I.   Ưu điểm của visa Mỹ

Quy định về thủ tục xin visa du học ít thay đổi: Trong khoảng 10 năm qua, ngoài việc thêm 1 – 2 mẫu đơn và đơn visa online thì thủ tục visa du học Mỹ hầu như không thay đổi.

Visa du học Mỹ được xét duyệt khá nhanh: Bạn khai hồ sơ online, hẹn ngày phỏng vấn, đến phỏng vấn theo lịch hẹn, kết quả phỏng vấn được thông báo ngay và nếu việc xin visa du học Mỹ thành công thì visa được gửi về tận nhà vào 2 hoặc 3 ngày sau, vô cùng nhanh gọn.

Mỹ không bắt buộc bạn có chứng chỉ tiếng Anh khi nộp hồ sơ du học hay đi phỏng vấn xin visa, thậm chí còn tạo điều kiện cho bạn học các khóa học tiếng Anh trước khi nhập học các trường cao đẳng, đại học.

Hồ sơ xin visa du học Mỹ không cần dịch nhiều, đồng thời phí xin visa không hề cao (chỉ khoảng ½ chi phí nộp visa khi du học Anh)

II.  Chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ

1.   I-20

Là điều kiện đi du học Mỹ cơ bản nhất mà bạn cần vượt qua. Đây là thư nhập học, hay còn được gọi là giấy báo trúng tuyển vào trường mà bạn đã nộp đơn để xin du học. I-20 cần được nộp trước ngày nhập học và xuất trình mỗi khi ra khỏi Mỹ hoặc quay lại. Có khá nhiều yếu tố khách quan hoàn toàn có thể  đánh gục bạn trong quá trình làm hồ sơ cũng như phỏng vấn xin cấp I-20 như: quá nhiều hồ sơ cùng nộp vào trường, số lượng cấp i-20 cho du học sinh quốc tế có hạn, tỉ lệ chọi cao,… Khi bạn đã được các trường đại học hoăc cao đẳng chấp nhận nhập học, bạn sẽ được nhà trường gửi một mẫu đơn I20 ((I-20 cho visa F-1), nhận mẫu đơn này, bạn cần cẩn thận kiểm tra thông tin trên mẫu đơn  I-20 có chính xác như trên hộ chiếu của bạn hay không.

Để nhận được I-20, bạn cần đáp ứng các yêu cầu do nhà trường đưa ra, mỗi trường có tiêu chuẩn hay các chỉ tiêu khác nhau nhưng hầu hết đều dựa vào các tiêu chí như:

Học bạ: Điểm trung bình từ 7 trở lên và tăng dần theo từng năm học sẽ là một lợi thế cho thấy sự nghiêm túc phấn đấu trong học tập của bạn.

Hoạt động ngoại khoá: thể hiện sự năng động cũng như khả năng thích ứng của bạn với môi trường mới, bao gồm những hoạt động như từ thiện, cuộc thi cấp trường hoặc do đơn vị nào đó tổ chức, …

I20

2.  Phí SEVIS (Student and Exchange Visitor Information System)

 SEVIS là một hệ thống các thông tin về sinh viên và khách du lịch được Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Bộ Ngoại giao xây dựng dựa trên hệ thống Internet và liên tục cập nhật chính xác thông tin về các du khách đến Mỹ (F, M, and J) cùng với những người có liên quan. Các trường ở Mỹ (đại học, cao đẳng, và học viện) phải chuyển các thông tin bắt buộc tới các tổ chức có liên quan của chính phủ Mỹ qua SEVIS.

3.  Visa F1

F1 là loại visa phổ biến được chính phủ Mỹ cấp cho học sinh quốc tế theo học chương trình chính quy. Khi sở hữu visa này, bạn có cơ hội được làm thêm trong phạm vi cho phép của nhà trường với giới hạn 20 tiếng/ tuần. Visa F1 cho phép du học sinh học tập tại Mỹ nhưng sinh viên lại bị hạn chế việc làm. Để có được visa F1, bạn cần:

Theo học một cơ sở giáo dục hoặc chương trình dạy tiếng đã phải được thông qua bởi USICE ( Cục hải quan và nhập cư Hoa Kỳ) về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài.

Đăng kí chương trình học toàn thời gian

Cung cấp đầy đủ chứng minh tài chính để hoàn tất khóa học

Chứng minh rằng bạn không có ý định ở lại Mỹ lâu dài

4.  Chứng minh tài chính

Bạn sẽ phải chứng minh được nguồn tài chính của mình là đủ mạnh để đảm bảo đáp ứng những chi phí trong khoảng thời gian học tập ở Mỹ. Tùy vào mức học phí của từng trường mà bạn đăng ký, yêu cầu chứng minh tài chính sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, các trường đều yêu cầu mức dư tài khoản trong ngân hàng của gia đình bạn đủ để hỗ trợ tài chính tại Hoa Kỳ ít nhất 1- 2 năm. Đối với tài khoản trong ngân hàng, bạn cần chứng minh quá trình tích lũy như từ thu nhập hàng tháng, hay là từ tài sản của cha mẹ và đính kèm các chứng từ này vào hồ sơ.

Ngoài ra bạn cần chứng minh được các khoản thu nhập cố định của gia đình để qua đó, viên chức Lãnh sự quán thấy khả năng tài chính của gia đình ở Việt Nam cũng như trong trường hợp xấu xảy ra, bạn vẫn còn có tài sản thế chấp để tiếp tục hoàn thành chương trình.

III.  Các bước xin visa du học Mỹ

  • Chuẩn bị giấy tờ cần thiết trước khi làm thủ tục
  • Hoàn tất mẫu đơn xin visa du học và đóng phí xin visa du học Mỹ
  • Đóng phí SEVIS
  • Hoàn thiện tất cả giấy tờ, hồ sơ để xin visa
  • Đặt lịch hẹn phỏng vấn xin visa du học Mỹ trực tuyến
  • Tham gia phỏng vấn trực tiếp xin visa du học Mỹ

visa my amec

Lưu ý:

Tỏ rõ ước muốn được trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học tại Mỹ, vạch ra cho các viên chức thấy một lộ trình  học tập phù hợp, hỏi và tìm hiểu thật kĩ các thông tin về trường học và nơi bạn sinh sống thể hiện sự sẵn sàng của bạn, khả năng vượt qua vòng phỏng vấn sẽ cao hơn.

Nếu bạn dưới 17 tuổi, bạn phải đi cùng bố/mẹ hoặc người bảo trợ hợp pháp đến, nhưng chỉ mình bạn được phép vào phỏng vấn xin visa du học Mỹ.

Bạn không được phép mang các thiết bị điện tử như cả điện thoại, máy tính, camera,..vào trong Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Tất cả những bước trong buổi phỏng vấn xin visa du học Mỹ sẽ được gọi bằng số. Thế nên bạn hãy lắng nghe thật kỹ và nhớ số của mình để không bỏ sót lượt. Nhớ ăn mặc lịch sự và gọn gàng, bước đầu phỏng vấn của bạn đã vượt qua rồi đấy!

Chúc các bạn thành công!


Theo báo du học